(Thủy sản Việt Nam) – Tôm càng xanh toàn đực là đối tượng có nhiều giá trị kinh tế, có thể tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đã có rất nhiều mô hình thành công với đối tượng này, trong đó phải kể đến mô hình nuôi tôm càng xanh – lúa. Đây chính là một hình thức canh tác thông minh bao hàm nông nghiệp sinh thái và nông nghiệp hữu cơ: tận dụng tối đa màu mỡ để lại của vụ trước làm đầu vào cho vụ sau rất hiệu quả.
Phát huy lợi thế
Nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng của tôm càng xanh, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã thực hiện Dự án Xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi. Điều này là rất cần thiết và là một trong những giải pháp chuyển đổi cơ cấu sản xuất hiệu quả, bền vững trong thời điểm hiện nay và sau này.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã ký hợp đồng với các địa phương, chủ nhiệm dự án đã có hướng dẫn chi tiết các đơn vị tham gia xây dựng mô hình về các bước triển khai Dự án. Các địa điểm được chọn đều đạt các tiêu chí: Nằm trong vùng cho phép chuyển đổi đất nông nhiệp sang nuôi thủy sản; có hệ thống kênh thủy lợi đầy đủ; có sự thống nhất của các bên liên quan: cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, đơn vị triển khai; địa phương đang quan tâm chú trọng muốn phát triển nuôi thủy sản theo hướng bền vững và gắn với cây lúa. Kết quả lựa chọn được 34 hộ tại Đồng Tháp, Cần Thơ, Bạc Liêu với diện tích 60 ha để làm điểm trình diễn mô hình.
Quá trình thực hiện
Với tôm càng xanh
– Số lượng giống: 2.400.000 PL/ 60 ha
Trong đó: + Nhà nước hỗ trợ: 1.700.000 PL
+ Chủ mô hình đối ứng: 700.000 PL
– Cỡ giống: PL12 – PL15
– Đơn vị cung cấp: Trung tâm Giống thủy sản An Giang; Cơ sở sản xuất tôm giống Thành Phi I
– Thức ăn: Sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên dành cho tôm sú và tôm càng xanh có độ đạm 25 – 35% tùy theo từng giai đoạn phát triển của tôm. Các loại thức ăn này đã được cơ quan quản lý cho phép lưu hành của các thương hiệu: Grobest, Cargill, Tomboy.
– Cỡ tôm thời điểm hiện nay tại các điểm thả khác nhau đạt: 25 – 50 g/con. Các hộ mô hình đang tích cực thu tỉa để bán và chăm sóc cho phần tôm còn lại.
Với lúa cấy/sạ trên ruộng nuôi
– Mô hình tại Cần Thơ tiến hành nuôi luân canh hiện đang thu tôm dự kiến sẽ sạ lúa trong đầu tháng 12.
– Mô hình tại Đồng Tháp tiến hành hỗ trợ 2.000 kg lúa giống, đến nay đã thu hoạch lúa đạt năng suất 3,3 – 5,7 tấn/ha.
– Mô hình tại Bạc Liêu các hộ đã xuống giống và cấy vào cuối tháng 9, đầu tháng 10. Hiện tại lúa đang phát triển rất tốt, cây vươn cao, không bị sâu bệnh.
* Các loại vật tư: vôi, phân bón, được chọn mua đúng chủng loại, được cấp phép sử dụng. Đặc biệt các loại thuốc dùng chăm sóc phòng bệnh lúa đều có nguồn gốc sinh học. Các hộ mô hình đều ghi chép nhật ký thực hiện để tổng kết sau khi vụ nuôi trồng kết thúc.
Cùng với đó, các đơn vị đã tổ chức 3 lớp tập huấn về “Kỹ thuật nuôi tôm càng xanh – lúa” cho 60 hộ nông dân là những hộ tham gia mô hình và những hộ có nhu cầu học tập, làm theo mô hình trình diễn tại các địa phương. Với nội dung: Phương pháp bố trí sản xuất, thiết kế ao ruộng; Kỹ thuật cải tạo ao, ruộng để nuôi tôm càng xanh với lúa; Kỹ thuật nuôi tôm càng xanh và trồng lúa trong cùng một đơn vị sản xuất. Thời gian thực hiện lớp tập huấn trong 1 ngày.
Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, thành phố tổ chức 3 lớp tập huấn ngoài mô hình về “kỹ thuật nuôi tôm càng xanh toàn đực – lúa trên vùng đất chuyển đổi” với 105 hộ nông dân nuôi cá tiêu biểu của các tỉnh Bạc Liêu, Đồng Tháp, Cần Thơ. Qua lớp tập huấn, các học viên hiểu biết hơn về con tôm càng xanh toàn đực cũng như kỹ thuật chăm sóc; cách thức sản xuất kết hợp giữa trồng lúa và nuôi tôm cho hiệu quả cao và phát triển bền vững, vừa đảm bảo lương thực đồng thời cũng có nguồn thu kinh tế ổn định.
Đánh giá hiệu quả
Đánh giá hiệu quả chỉ tiêu kỹ thuật, kinh tế
Về nhận thức nuôi cá của người dân: Mô hình tạo một tư duy mới cho người tham gia và cồng đồng xung quanh. Với người nông dân truyền thống chỉ thực hiện trồng lúa trước đây đã thay đổi nhận thức, chấp nhận đầu tư thêm để sản xuất theo hình thức 2 đối tượng trên một mảnh ruộng này. Với người nông dân đã tiếp cận sản xuất nuôi thủy sản trước đây có những thay đổi nhận thực về vấn đề ứng dụng nông nghiệp thông minh, phát triển sản xuất bền vững, áp dụng tiến bộ kỹ thuật cao trong hình thức nuôi tôm càng xanh toàn đực – lúa. Sự đầu tư sẽ hiệu quả và phát triển lâu dài hơn thân thiện với môi trường hơn
Về tốc độ sinh trưởng, phát triển của tôm: Tôm nuôi phát triển tương đối đồng đều, tốc độ tăng trưởng nhanh. Giống thả ở loại PL12 sau 2 tháng nuôi có thể đạt cỡ 90 – 110 con/kg, sau 3 tháng có thể đạt 60 con/kg, sau 5 tháng có thể đạt 35 con/kg và sau 6 tháng nuôi có những cá thể đạt cỡ 20 con/kg. Với hình thức nuôi xen canh thời gian sau khi thu hoạch lúa cho nước tràn khắp mặt ao tôm lớn rất nhanh do môi trường rộng thoáng và có nhiêu thức ăn tự nhiên trong ruộng.
Về chất lượng sản phẩm của mô hình: Do đặc trưng sản xuất của hình thức này lên các sản phẩm trong mô hình tạo ra có sự an toàn cao cho người sử dụng. Trong quy trình không dùng đến hóa chất độc hại, thuốc kích thích tăng trưởng hay thuốc trừ sâu, cỏ. Với canh tác lúa sử dụng các thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học và hình thức nuôi tôm chỉ sử dụng các loại chế phẩm an toàn với môi trường và người tiêu dùng.
Về con giống: Sử dụng giống tôm càng xanh toàn đực là một bước đột phát trong sản xuất, có sự thay đổi lớn trong kỹ thuật nuôi và hiệu quả đạt được. Mặt khác, con giống đực được lựa chọn từ các cơ sở cung cấp giống có uy tín đảm bảo chất lượng, trong quá trình nuôi tỷ lệ con cái gặp rất ít ở mức dưới 5%.
Về quá phương pháp thực hiện và quá trình triển khai: Các bước tiến hành minh bạch tạo sự tin tưởng trong người dân; mỗi công đoạn đều bám sát các quy định, tiêu chuẩn của nhà nước về kỹ thuật cũng như tài chính tạo sự chặt chẽ tiết kiệm và hiệu quả.
Dự kiến sau khi kết thúc toàn bộ chu trình nuôi trồng tại các mô hình sẽ đạt được một sản lượng đáng kể: 58 tấn tôm càng xanh và 260 tấn lúa.
Nhân rộng mô hình
Hiệu quả kinh tế, với mô hình nuôi xen canh tại Đồng Tháp, chi phí sản xuất lúa: 13.425.000 đồng/ha; Chi phí sản xuất tôm càng xanh: 44.300.000 đồng/ha; Năng suất lúa trung bình: 4,6 tấn/ha; Năng suất tôm càng xanh ước 458 kg/ha; Ước lợi nhuận lúa + tôm: 43.700.000 đồng/ha.
Cùng đó, mô hình cũng có giá trị tác động môi trường, khi triển khai đúng vào trọng tâm định hướng của sản xuất nông nghiệp hiện nay là an toàn với xã hội, thân thiện với môi trường, phát triển bền vững. Điều này có được một phần do đặc điểm sản xuất của mô hình, quy trình thực hiện của dự án tác động đến ý thức tự giác và trách nhiệm của người dân tham gia. Các sản phẩm trước tiên của mô hình cung cấp ra thị trường khiến người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm về chất lượng và sự an toàn cho sức khỏe.
Với người dân tham gia mô hình, được hướng dẫn chuyển giao toàn bộ quy trình kỹ thuật mới, tiên tiến, được hưởng lợi từ sự gia tăng sản xuất do áp dụng tiến bộ kỹ thuật, giúp nông ngư dân chủ động trong sản xuất hàng hóa. Được hưởng lợi từ sự hỗ trợ không thu hồi về giống và vật tư bà con có vốn để tái sản xuất. Tại các điểm triển khai mô hình năm 2016, chính quyền địa phương đều có định hướng và mong muốn người dân phát triển theo hình thức canh tác tôm càng xanh toàn đực – lúa. Những người dân khi tham gia tập huấn hội thảo cũng đều rất hào hứng với hình thức sản xuất an toàn mà lãi cao này.
>>Để mô hình thành công hơn nữa, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người nuôi về hiệu quả thực sự của việc nuôi tôm càng xanh toàn đực; chuyển giao công nghệ giữa đơn vị đang làm chủ công nghệ sản xuất giống với các cơ sở đủ điều kiện sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực đề cung cấp cho toàn người nuôi có nhu cầu; tăng cường sự quản lý và ý thức cộng đồng chung trong việc sản xuất an toàn, bền vững; tạo sự liên kết chặt chẽ hơn giữa người nuôi với nhau và người nuôi với doanh nghiệp thu mua chế biến. |
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia