Thực hiện lời Bác dạy, nhiều năm qua, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh luôn nỗ lực phát huy, gìn giữ vốn quý của rừng, biển, vừa mang lại lợi ích kinh tế cho người dân, xã hội, vừa bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá cho muôn đời sau.
Giữ “kho vàng xanh”
Ở Quảng Ninh, diện tích đất rừng chiếm trên 70% diện tích đất tự nhiên, với hơn 435.575ha. Quan điểm xuyên suốt của tỉnh là phát triển rừng luôn đi đôi với bảo vệ rừng, trong nhiều giai đoạn, lợi ích kinh tế từ rừng đặt sau lợi ích xã hội do rừng mang lại.
Khoảng chục năm gần đây, tỉnh đã có trên 60 văn bản chỉ đạo trọng tâm về công tác bảo vệ và phát triển rừng. Tỉnh ủy đang xem xét phê duyệt Đề án phát triển rừng bền vững đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Lực lượng kiểm lâm TP Móng Cái tuần tra, bảo vệ rừng. |
Quảng Ninh sớm triển khai và triển khai hiệu quả Đề án giao đất giao rừng, Dự án 661 (trồng mới 5 triệu ha rừng) của Chính phủ, từ đó giúp rừng có chủ, vốn rừng được củng cố và phát huy giá trị. Đến thời điểm này hầu hết diện tích có rừng và đất lâm nghiệp trồng được rừng trên địa bàn đã được giao cho 23.000 hộ gia đình và 59 tổ chức. Các tổ chức, cá nhân được giao rừng đã gắn bó với rừng, không chỉ gìn giữ vốn rừng được giao, mà còn ngày càng bổ sung, làm giàu rừng, dựa vào rừng để phát triển kinh tế, mang lại thu nhập. Mỗi năm toàn tỉnh trồng mới từ 8.000-12.000ha rừng. Hiện có trên 8.000 trang trại có hoạt động trồng cây công nghiệp, cây đặc sản, dược liệu, gây nuôi động vật hoang dã trên đất rừng…
Rừng Quảng Ninh được gìn giữ và ngày càng nhân rộng, mang lại cảnh quan, môi trường, tài nguyên quý giá cho con người. Quảng Ninh hiện là địa phương có độ che phủ rừng cao trong nước, với 54,7%. Đây là kết quả của một quá trình phấn đấu, nỗ lực, với vai trò nòng cốt, xung kích của lực lượng kiểm lâm, sự vào cuộc của địa phương, các đơn vị liên quan và người dân trong trồng rừng, phòng chống xâm hại rừng…
Trong 10 năm qua, tỉnh đã vận động, tổ chức cho 16.000 hộ dân ký cam kết bảo vệ rừng; thành lập và duy trì huấn luyện cho gần 1.600 tổ, đội dân phòng phòng chống cháy rừng; tập trung cao độ công tác phối hợp ngăn chặn, xử lý xâm hại rừng, khai thác, vận chuyển trái phép sản vật từ rừng… Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 4.200 vụ vi phạm rừng lớn, nhỏ, chủ yếu là vận chuyển lâm sản trái phép, một số vụ khai thác trái phép, trong đó có 40 vụ phải xử lý hình sự, bị cáo nhận mức án cao nhất là 36 tháng tù giam; số vụ cháy rừng giảm 70%.
Tỉnh hiện đặt ra những mục tiêu rất cụ thể về phát triển rừng, trọng tâm là nâng độ che phủ rừng lên 55%; giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 4-5%/năm…
Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản
Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp của người dân Tân An (TX Quảng Yên) mang lại hiệu quả kinh tế lớn. |
Cùng với rừng, tài nguyên biển của Quảng Ninh vô cùng giàu có, hội tụ rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế thủy sản… Đó là đường bờ biển dài đến 250km, diện tích mặt nước 6.000km2, nhiều eo, vịnh kín gió, là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước. Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU (ngày 6/5/2014) “Về phát triển kinh tế thuỷ sản Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, xác định đưa thủy sản là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn trong ngành Nông nghiệp (nông, lâm, ngư nghiệp), lấy đây làm hướng phát triển bền vững cho nhiều năm sau của toàn ngành. Đến nay, Quảng Ninh đã huy động gần 6.900 tỷ đồng thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU, trong đó ngân sách nhà nước chiếm 10%.
Trong 5 năm gần đây, kinh tế thủy sản của tỉnh tăng mạnh. Năm 2018, sản lượng thủy sản đạt gần 125.000 tấn, tăng 25%; trong đó nuôi trồng đạt trên 58.000 tấn, tăng 61%, khai thác trên 66.000 tấn, tăng 15%; giá trị sản xuất thủy sản đạt trên 20.000 tỷ đồng/năm (tính theo giá hiện hành), tăng 46%, chiếm 53,5% giá trị toàn ngành Nông nghiệp, chiếm 3,21% GRDP toàn tỉnh; tốc độ tăng trưởng kinh tế thủy sản đạt 14,4%, tăng gấp 2 lần…
Kết quả này được đánh giá sẽ duy trì bền vững, năm sau cao hơn năm trước, bởi thủy sản Quảng Ninh đang đi đúng hướng là khai thác gắn với bảo vệ. Đối với nuôi trồng thủy sản, tỉnh xác định được đối tượng nuôi chủ lực (tôm thẻ chân trắng), quy hoạch vùng nuôi, tăng mạnh diện tích nuôi thâm canh, công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, tôm thẻ chân trắng, diện tích nuôi công nghiệp đạt trên 4.670ha (1ha nuôi công nghiệp có giá trị gấp 70 lần 1ha nuôi quảng canh), tăng gấp đôi so với năm 2014, tăng gần 2,35 lần so mới mục tiêu tỉnh đặt ra đến năm 2020.
Đối với khai thác thủy sản, Quảng Ninh giảm đội tàu khai thác gần bờ, tăng khai thác xa bờ; đồng thời tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đến nay, toàn tỉnh có gần 8.400 tàu đánh bắt, tăng 350 tàu xa bờ, giảm gần 2.000 tàu gần bờ so với năm 2014.
Doanh nghiệp tư nhân Phương Anh (TP Móng Cái), một địa chỉ uy tín cung cấp giống cá nuôi trên địa bàn tỉnh. nơi cung cấp giống cá uy tín của tỉnh |
Tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU (ngày 1/9/2017) “Về tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Quảng Ninh tiên phong trong cả nước về cấm và hạn chế một số nghề khai thác có tính tận diệt; ngừng khai thác có thời hạn một số vùng bãi triều. Cả hệ thống chính trị vào cuộc quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đến nay, đã xử lý gần 4.000 trường hợp vi phạm, nộp ngân sách nhà nước trên 13 tỷ đồng, gấp 3 lần giai đoạn 5 năm trước. Nhờ đó số vụ vi phạm giảm 96% so với trước, nguồn lợi thủy sản tăng mạnh, đặc biệt là vùng ven và vùng lộng.
Để tái tạo nguồn lợi thủy sản, tỉnh tăng cường thả giống bổ sung trên các vực nước; quy hoạch các vùng bảo tồn biển, cấm khai thác trên Vịnh Hạ Long, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất trên biển, phân cấp quản lý tàu khai thác thủy sản cho địa phương…
Trong bối cảnh mới hiện nay, Quảng Ninh xác định phát triển thủy sản theo hướng giảm áp lực lên biển mà vẫn tăng giá trị. Cụ thể là đến năm 2025, giảm tàu khai thác vùng ven và vùng lộng 17-20%, giữ ổn định khai thác xa bờ; giảm diện tích nuôi nội địa 20%, tăng nuôi biển 80-90%, tăng nuôi công nghiệp 50-60%…
Thực hiện lời dạy của Bác về gìn giữ, bảo vệ nguồn tài nguyên vô cùng quý giá “rừng vàng, biển bạc”, Quảng Ninh đã đặc biệt quan tâm và làm tốt công tác bảo vệ, trồng cây gây rừng, giữ gìn môi trường tự nhiên; khai thác, bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản… Điều đó không chỉ có ý nghĩa kinh tế, mà còn có ý nghĩa chính trị, xã hội to lớn, góp phần quan trọng cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân.
Việt Hoa