Kiên Giang: Nuôi tôm càng xanh vùng nước lợ đạt hiệu quả kinh tế cao

Trước điều kiện thời tiết bất lợi và ngày càng diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nông dân tỉnh Kiên Giang tìm tòi những mô hình sản xuất thích ứng, phù hợp với đồng ruộng, mang lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế gia đình. Nuôi tôm càng xanh vùng nước lợ tại huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) là một trong những mô hình sản xuất nổi trội, đạt kết quả đang được nông dân ở đây đầu tư phát triển mạnh trên đồng đất.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, vụ mùa tôm năm 2015, huyện Vĩnh Thuận thả nuôi tôm càng xanh trên diện tích 3.578 ha, tổng sản lượng thu hoạch hơn 2.430 tấn, năng suất bình quân 679 kg/ha. So với sản xuất luân canh vụ lúa, vụ tôm (tôm – lúa), năng suất trên dưới 400 kg/ha và nuôi quảng canh – quảng canh cải tiến khoảng 287 kg/ha thì nuôi tôm càng xanh năng suất đạt khá cao, giá bán trên thị trường không thua kém tôm sú, tôm thẻ chân trắng.

Những ngày này nông dân huyện Vĩnh Thuận vào vụ thu hoạch rộ tôm càng xanh với niềm vui trúng mùa, trúng giá. Ông Huỳnh Văn Lĩnh, ấp Bời Lời A, xã Vĩnh Bình Nam, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) cho hay: “Tôi thả nuôi tôm càng xanh trên diện tích 1,2 ha vừa thu hoạch xong, sau khi trừ các khoản chi phí sản xuất lời hơn 100 triệu đồng. So với trồng lúa lợi nhuận gấp nhiều lần. Hơn nữa, trồng lúa trong thời gian gần đây kém hiệu quả do xâm nhiễm mặn, mưa ít không đủ nước ngọt rửa mặn nên lúa sau khi gieo sạ bị ngộ độc phèn, mặn và chết.” Tương tự, với diện tích 3 ha nuôi tôm càng xanh sắp thu hoạch, nông dân Bùi Tấn Te, ấp Bời Lời A, xã Vĩnh Bình Nam, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) phấn khởi nói: “Tôi đã đầu tư vốn hơn 16 triệu đồng nuôi tôm càng xanh. Với giá thị trường hiện nay trên dưới 195.000 đồng/kg và nếu giá cả này giữ nguyên cho đến Tết Nguyên đán thì cầm chắc thu về từ 100 triệu đồng trở lên. Phần lớn nông dân vùng này bây giờ tập trung nuôi tôm càng xanh vì lời lãi nhiều hơn làm lúa. Sản xuất lúa bây giờ năm ăn, năm thua. Đầu vụ nhiều người gieo sạ lúa nhưng đến thời điểm này coi như thất mùa, thua lỗ trắng tay do lúa không nở bụi, trỗ bông không đều, hạt lép lững hoặc bị chết trắng vì ngộ độc phèn mặn, thiếu nước tưới.”

Sáng kiến của nông dân huyện Vĩnh Thuận trong nuôi tôm càng xanh nước lợ là kết hợp với nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng theo mô hình sản xuất tôm – lúa. Tôm càng xanh là loài thủy sản vốn dĩ thích hợp với môi trường nước ngọt nhưng được bà con thuần hóa đưa về nuôi vùng nước lợ, sinh trưởng phát triển tốt và đạt kết quả. Theo kinh nghiệm của nông dân, ưu điểm vượt trội của tôm càng xanh so với tôm sú, tôm thẻ chân trắng là dễ nuôi, mau lớn, ít bị dịch bệnh gây hại và khả năng thích ứng nhanh với điều kiện môi trường, nguồn nước. Hai nông dân Huỳnh Văn Lĩnh và Bùi Tấn Te đều cho biết: Trước đây, vùng Vĩnh Bình Nam này, nông dân sản xuất tôm – lúa với hai đối tượng nuôi chính là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Trong quá trình sản xuất mới thả giống tôm càng xanh nuôi xen và mang lại kết quả bất ngờ. Tôm càng xanh chẳng những không chết trong môi trường nước lợ mà còn sinh trưởng phát triển tốt. Nông dân thu về 3 nguồn lợi kinh tế trên cùng một diện tích là lúa, tôm sú, tôm thẻ và tôm càng xanh. Nông dân Huỳnh Văn Lĩnh, ấp Bời Lời A, xã Vĩnh Bình Nam, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) chia sẻ: “Nuôi tôm sú và tôm thẻ thời gian 3 tháng thu hoạch, còn tôm càng xanh trên dưới 5 tháng nên nông dân lấy ngắn nuôi dài. Do vậy, khi thu hoạch dứt điểm tôm sú, tôm thẻ chân trắng thì tập trung chăm sóc tôm càng xanh. Hết vụ thu hoạch tôm chuyển sang sản xuất vụ lúa để cải tạo lại môi trường đồng ruộng và tiếp tục thả giống tôm nuôi. Để đảm bảo “ăn chắc”, tôm càng xanh được “vèo nuôi” trong môi trường nước lợ vài ba ngày cho chúng quen dần với nồng độ mặn trước khi thả lan ra đồng đất. Điều này giúp cho tôm tăng khả năng chống chịu với những điều kiện bất lợi ban đầu, thích hợp môi trường nước lợ nên tôm không bị sốc, giảm tỷ lệ hao hụt.”

Mô hình “lúa – tôm sú – tôm thẻ chân trắng – tôm càng xanh” ở huyện Vĩnh Thuận bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cần được các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang nghiên cứu, đánh giá và hoàn thiện quy trình sản xuất. Trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, khô hạn, xâm nhiễm mặn sâu vào nội đồng, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, bất lợi thì mô hình sản xuất này cần sớm quy hoạch, đầu tư phát triển đồng bộ trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Kiên Giang. Đặc biệt là đầu tư về thủy lợi, con giống, khoa học công nghệ, môi trường, thị trường và chế biến xuất khẩu, nhằm giúp nông dân sản xuất hiệu quả, bền vững hơn, làm giàu chính đáng trên đồng ruộng từ nguồn lợi “lúa – tôm”./.

Lê Huy Hải